Họ đã phải lòng Quy Nhơn!

Thứ hai - 06/08/2018 07:23
Nghỉ hè! Ðã đến lúc tôi chèo kéo cho bằng được đám bạn đại học của mình về Quy Nhơn tận hưởng mùa hè. Cảnh sắc, con người Quy Nhơn để lại dấu ấn sâu đậm trong tất cả những người bạn của tôi. Ðến nỗi một thành viên trong nhóm trước khi lên xe, đã thẫn thờ thốt lên:”Quy Nhơn đẹp quá, tao phải lòng Quy Nhơn rồi mày ơi!”.
viewimage (4)
Địa điểm đầu tiên chúng tôi đến là một di sản kiến trúc của người Champa - tháp Bánh Ít
Đi xe từ Sài Gòn chuyến 19 giờ đến 5 giờ là bọn mình đã có mặt ở Quy Nhơn. Tuy đang là mùa hè nhưng Quy Nhơn đón chúng mình với một thời tiết mát mẻ khó lòng đẹp hơn. Thế là cả bọn không cần nghỉ ngơi, vội cất đồ, ăn sáng và đi chơi.
***
Địa điểm đầu tiên chúng tôi đến là một di sản kiến trúc của người Champa - tháp Bánh Ít.  Đứng dưới chân những bậc thang cao ngút là cảm giác bị choáng ngợp trước vẻ đẹp của tòa tháp, gọi đấy là đỉnh cao kiến trúc của một dân tộc cũng không có gì quá, đây thật sự là minh chứng cho nền văn hóa Champa chói lọi. Đứng trên “ngọn đồi của những vị thần” một vùng quê hương bao la, sông uốn dòng chảy quanh, đồng quê xanh một màu. Mắt chúng tôi như nuốt cả một vùng không gian vào đến sâu thẳm hồn mình.
Đến trưa thì tớ cùng các bạn về nhà ăn cơm mẹ nấu với những món đặc sản của Quy Nhơn - Bình Định như: chả ram tôm đất, cá chua nấu canh lá giang, chả cá biển chiên... Tuy chỉ là những món dân dã thôi nhưng đứa nào cũng thấy ngon miệng. Ôi, Quy Nhơn đến một bữa ăn bình thường cũng muốn làm vui khách lạ!
Đánh một giấc no nê tới chiều, bọn mình lại hăm hở sửa soạn đồ để đi đến Tiểu chủng viện Làng Sông. Giữa làng quê đặc Việt, bỗng mọc lên cơ sở tôn giáo được xây dựng theo phong cách Gothic - một lối kiến trúc đặc trưng của châu Âu. Ấy vậy mà chủng viện vẫn cứ hài hòa với ruộng đồng làng quê xung quanh, thân thiện như tiếng gió lùa qua rặng tre rồi hòa quyện với những hàng sao đen trăm năm tuổi trong khuôn viên chủng viện. Có vô số những khung cửa sổ vòm cung, trải dài đến tít tắp những hành lang tuyệt đẹp, nhiều bạn thích chụp ảnh đã chết lặng ở đây.
Đến Quy Nhơn mà không ăn hải sản thì quả là thiếu sót. Hải sản ở Quy Nhơn tương đối rẻ so với những điểm du lịch biển khác như: Nha Trang, Mũi Né... Bọn mình đã thử thật nhiều loại hải sản rồi cùng nhau dạo bộ quanh bờ biển Quy Nhơn, bờ biển cát vàng óng lượn cong như một nét mày đẹp...
Trước khi đến Quy Nhơn, tôi đã không tiếc lời tụng ca hoa giấy ở Quy Nhơn. Mà những giàn hoa giấy rực rỡ nhất người Quy Nhơn hay giới thiệu cho bạn bè phương xa không phải ở trong phố ven biển, không phải ở ven hồ sinh thái Đống Đa, mà là ở Quy Hòa (Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa). Tôi nói với chúng bạn, chúng ta đi ngắm những giàn hoa giấy cổ. Nhưng bạn đã biết gì về Quy Hòa chưa?
Gần 80 năm trước (1929), khi linh mục Paul Maheu (1869 - 1931) tìm ra thung lũng Quy Hòa (Quy Nhơn) ông chỉ nghĩ một cách đơn giản - tìm một nơi xa cách với thế giới bên ngoài để xây dựng một khu điều trị bệnh nhân phong. Ngày nay làng phong trong thung lũng tuyệt đẹp này, đã trở thành một quần thể kiến trúc độc đáo hiếm thấy.
Theo tư liệu mình có được từ báo Bình Định, năm 1932 sau một trận bão khủng khiếp, toàn bộ nhà cửa của bệnh nhân trong trại bị cuốn phăng, các souer thuộc dòng Phan sinh thừa sai đức mẹ (Franciscan missionaries of Mary) đã vận động nhiều nguồn tài trợ để tái thiết bệnh viện. Cũng thời điểm này, giám đốc bệnh viện - soeur Charles Antoine và người phụ tá của mình là soeur Ozithe (qua đời ngày 20.12.2001 ở Paris) đã đặt ra chương trình xây dựng lại bệnh viên, xây dựng nhà ở để người phong có nơi trú ngụ kiên cố, lâu dài.
Soeur Ozithe vốn là một kiến trúc sư nên bà đã bỏ công quy hoạch lại toàn bộ bệnh viện và khu nhà ở của bệnh nhân. Soeur Ozithe vẽ rất nhiều kiểu nhà và giúp những chủ hộ tương lai chọn mẫu, chỉnh sửa để có những mẫu nhà như ý nguyện. Các bệnh nhân có thể chỉnh sửa cho hợp ý mình từ mẫu thiết kế cho đến vật liệu trang trí, xây dựng. Mỗi căn nhà lại chất chứa một niềm tâm sự của chủ nhân và chính vì điều này mà gần như không có ngôi nhà nào giống ngôi nhà nào. Có thể nói, nhờ thực hiện quy hoạch này mà Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa ngày nay là một trong những bệnh viện đẹp và độc đáo nhất thế giới.
Chúng tôi đi ngắm hoa giấy, hoa quả nhiên rất đẹp nhưng cuối cùng những con người nơi đây cuốn hút chúng tôi hơn. Nơi những người từng mắc bệnh phong cư ngụ giống như một ngôi làng nhỏ trước mặt là biển xung quanh còn được bao bọc bởi rất nhiều phi lao xanh, thời tiết ở đây gần như mát mẻ quanh năm. Có phải vì thế không mà con người ở đây tuyệt vời đáng mến và thân thiện. Bọn chúng tôi quyết định lưu lại kỷ niệm về nơi đây bằng cách xin chụp hình với một bác trai đang ngồi thong thả uống trà, hóng gió trước thềm nhà. Và khỏi phải nói bác đã chiều bọn trẻ như thế nào khi đồng ý diễn đúng như những gì chúng tôi muốn.
***
Tôi chỉ mới đưa bạn bè đi loáng thoáng và rất ít điểm đến tại Quy Nhơn. Nhưng chỉ trong thời gian ngắn ngủi ấy ai cũng đã lưu luyến thành phố này. Quy Nhơn đẹp như một lời hò hẹn vậy, bởi đã đến rồi, nhất định sẽ muốn quay lại. Để nói về tình yêu với Quy Nhơn, tôi còn nhiều điều muốn kể lắm, nhưng “trăm nghe không bằng một thấy”, phải tự mình trải nghiệm thì mới cảm hết được vẻ đẹp của thành phố hiền hòa này. Thưa những người bạn của tôi, những người đã phải lòng Quy Nhơn, tôi còn chưa kể về những báu vật đang được trưng bày ở Bảo tàng tỉnh Bình Định, còn chưa kể về Ghề̀nh Ráng - Tiên Sa, chưa kể về cảm giác lên núi Vũng Chua ngắm mưa bay qua dưới chỗ mình ngồi còn thành phố thì chìm khuất xa xa trong mưa mù, chưa kể về tháp Đôi; xin lỗi các bạn tôi cũng chưa dắt các bạn đi trên cây cầu vượt biển dài thứ nhì Việt Nam, mình đã đi qua nhưng chưa kịp ghé vào di tích mộ Đào Tấn, chưa ghé vào chùa Long Phước - nơi được mệnh danh là Thiếu Lâm tự của Việt Nam... Xin hẹn mùa Xuân năm nay!Vậy nhé.

Nguồn tin: TRẦN THỊ NHÂN DUYÊN-Báo Bình Định

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây