TRUNG TÂM XÚC TIẾN DU LỊCH BÌNH ĐỊNH

http://www.dulichbinhdinh.com.vn


Bước chuyển mình của du lịch Bình Định

Chương trình hành động số 06-CTr/TU của Tỉnh ủy về “Phát triển du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2020 - 2025” được ban hành đúng vào thời điểm ngành du lịch cả nước nói riêng và thế giới nói chung đang trong cơn “bĩ cực” do đại dịch Covid-19. Tuy vậy, các cấp, ngành trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, tạo sự thay đổi cơ bản về hình ảnh du lịch Bình Định trên bản đồ du lịch Việt Nam trong những năm gần đây.
Bước chuyển mình của du lịch Bình Định

Biến nguy thành cơ

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu từng đánh giá rất cao hướng đi sáng tạo của ngành du lịch Bình Định, khi chủ động, tăng cường xúc tiến, quảng bá phát triển sản phẩm và dịch vụ du lịch đa dạng, hình thành các dòng sản phẩm du lịch mới và nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu thị trường; đồng thời tập trung chuyển đổi số trong phát triển du lịch.

Chỉ tính riêng từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 6 khách sạn lớn từ 4 sao khai trương và đi vào hoạt động. Cũng trong thời gian này, tỉnh mời gọi, thu hút 17 dự án đầu tư phát triển du lịch, với tổng số vốn gần 50.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, bằng nỗ lực từ cả chính quyền và DN, Bình Định đã thu hút để đưa sự kiện đua thuyền máy nhà nghề quốc tế Grand Prix of Binh Dinh 2024 tổ chức tại Bình Định trong 5 năm liên tiếp, kể từ năm 2024. Đây là giải thể thao quốc tế quy mô lớn, không chỉ được kỳ vọng đưa hàng chục nghìn du khách quốc tế đến với miền đất Võ mà còn giúp quảng bá, truyền thông về hình ảnh con người, danh lam thắng cảnh Bình Định đến các du khách quốc tế.

viewimage

Lễ hội diều Quy Nhơn năm 2023 tạo nét sinh động cho mùa hè phố biển. Ảnh: LÊ NA

Nỗ lực nhiều hơn cho chặng đường kế tiếp

Sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU của Tỉnh ủy (CTHĐ số 06), ngành du lịch Bình Định đã đạt được nhiều kết quả tích cực: Sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng hơn, phát huy được một số thế mạnh của tài nguyên du lịch; không gian du lịch trên địa bàn tỉnh và thị trường du lịch được mở rộng; du lịch phục hồi nhanh sau đại dịch; công tác an ninh, an toàn cho khách du lịch cơ bản được đảm bảo.

Ngành du lịch tỉnh đã triển khai kết nối các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch với đơn vị sản xuất hàng OCOP của các địa phương để đưa sản phẩm OCOP vào hoạt động du lịch. Đặc biệt, hằng năm tỉnh tổ chức được chuỗi các sự kiện, lễ hội văn hóa, thể thao, du lịch…, góp phần quảng bá thương hiệu du lịch Quy Nhơn - Bình Định trong và ngoài nước.

Quán triệt CTHĐ số 06, các địa phương đã có sự quan tâm hơn về phát triển du lịch. Tận dụng thế mạnh của dòng sông Hà Thanh ngay trong lòng TP Quy Nhơn, phường Đống Đa đã xây dựng và tổ chức thành công Chương trình đêm hội du lịch trên sông Hà Thanh. Tương tự, dựa vào thế mạnh đặc trưng, huyện An Lão giới thiệu tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa địa phương qua chương trình Lễ hội du lịch hè An Lão…
 

viewimage (1)

Du khách trải nghiệm dù lượn trên biển Quy Nhơn. Ảnh: LÊ NA

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, có rất nhiều việc phải làm, từ công tác quy hoạch đến công tác quảng bá, tuyên truyền thay đổi nhận thức cán bộ và nhân dân về phát triển du lịch. Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng phân tích:

Thứ nhất, cần tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành, người dân đối với phát triển du lịch, để Bình Định là nơi khách đã đến sẽ quay trở lại.

Thứ hai, tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, dựa trên nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đặc sắc, gồm biển đảo, di tích lịch sử văn hóa cách mạng, sinh thái… Mở rộng không gian du lịch, để khách đến đây phải được trải nghiệm du lịch từ miền núi đến đồng bằng, biển đảo.

Thứ ba là ngoài thị trường truyền thống, phải làm tốt khâu mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước, hướng đến thị trường các tỉnh phía Nam, rồi vươn ra thị trường Đông Nam Á, Đông Bắc Á.

Thứ tư là tiếp tục tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, thu hút các nhà đầu tư mới để có thêm các điểm du lịch, cơ sở lưu trú, đặc biệt là resort, khách sạn 5 sao, khu vui chơi giải trí.

Thứ năm là tiếp tục đổi mới chiến lược quảng bá, xúc tiến du lịch, để du khách biết nhiều hơn về Bình Định.

Cuối cùng là đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, am hiểu lịch sử, văn hóa Bình Định, tâm huyết với nghề, phục vụ du khách tốt hơn.  

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 của ngành du lịch Bình Định:

- Tổng đóng góp của hoạt động du lịch bao gồm đóng góp trực tiếp và đóng góp gián tiếp vào GRDP tỉnh Bình Định đạt 20% (trong đó đóng góp trực tiếp của hoạt động du lịch đạt 10%, đóng góp gián tiếp đạt 10%). 

- Lượng khách du lịch đến tỉnh đạt 8 triệu lượt; trong đó, có 1,5 triệu lượt khách quốc tế.

- Phấn đấu thu hút đầu tư phòng lưu trú đạt 25.000 phòng (trong đó số phòng lưu trú tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên chiếm 70%); thu hút đầu tư 2 - 3 khu vui chơi, giải trí và trung tâm thương mại - mua sắm cao cấp; thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch là 3 ngày...

Tác giả bài viết: LÊ NA

Nguồn tin: Báo Bình Định

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây