Về thăm Linh Phong cổ tự

Chủ nhật - 16/02/2020 13:17
Đến hẹn lại lên, vào ngày 24-25 tháng Giêng âm lịch hàng năm, chùa Ông Núi lại thu hút hàng ngàn người dân và du khách thập phương tụ hội, chen nhau đi lễ chùa Ông Núi để cầu lộc tài, bình an và cùng nhau trẩy hội.

Chùa Ông Núi (hay còn gọi là Linh Phong Thiền Tự) thuộc xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 30km. Từ trung tâm thành phố Quy Nhơn, có hai cách để đến chùa ông Núi là đi theo tuyến đường ĐT 639 qua phía Đông Bắc tỉnh hoặc theo Quốc lộ 19B nối sân bay Phù Cát với Tp. Quy Nhơn.

IMG 13
IMG 1363
Chùa Ông Núi những ngày đầu xuân - Ảnh: Lê Chi

Theo những người dân sống gần chùa thì đây là ngôi chùa có niên đại hơn 300 năm tuổi và chùa Ông Núi là một trong những ngôi chùa cổ đẹp và nổi tiếng ở Bình Định. Lễ hội chùa Ông Núi chính là ngày giỗ của Hòa thượng Thích Trừng Tịnh, một trong những người có nhiều đóng góp cho sự phát triển của chùa.

Đường lên chùa tràn ngập khung cảnh thiên nhiên vô cùng tĩnh lạc với cỏ cây hoa lá mọc chen với những tảng đá, từ dưới chân núi, du khách đi bộ qua hàng trăm bậc đá nằm trên các cung đường uốn lượn như rồng bay từ chân núi Bà lên, với độ cao hơn 100m. Từ đây, bạn có thể nhìn dãy núi Bà hùng vĩ, oai nghiêm, cảnh làng quê thanh bình dưới chân núi, xa xa là toàn cảnh bán đảo Phương Mai, khu kinh tế Nhơn Hội bên đầm Thị Nại.

Từ Chánh điện, đi về hướng Tây qua một cây cầu nhỏ sễ dẫn lên các mộ Tháp và lên hang Tổ nằm ở trên núi phía sau chùa. Hang Tổ tương truyền là nơi xưa kia ông Núi từng ở, từng tụng kinh niệm Phật. Đến nay hang vẫn giữ nguyên được vẻ hoang sơ với những vách đá bên trong và cảnh quan bên ngoài.

IMG 1359

Du khách nô nức về dự Lễ hội chùa Ông Núi - Ảnh: Sưu tầm

Nằm giữa hang là những tảng đá lớn xếp chồng lên nhau và dựng đứng, phía bên dưới là một khe nước từ trong lòng suối chảy ngang qua hang. Bên ngoài hang, những tảng đá lớn xếp chồng nhau như những mái nhà, tạo nên dòng “suối” đá giữa hai vách của dãy núi Bà hùng vĩ. Dưới cầu là nguồn nước từ hang Tổ chảy về, mát lạnh và trong vắt. Rất nhiều du khách tới cầu để hứng nước rửa mặt, dòng nước ngọt lành róc rách chảy dưới khe bên cầu.

Từ năm 2017, bên cạnh chùa Ông Núi khu tâm linh Phật pháp Linh Phong được khánh thành đã tạo điểm nhấn với Pho tượng Phật ngồi được đánh giá là cao nhất Đông Nam Á, đến đây du khách sẽ được chiêm ngưỡng công trình kiến trúc vĩ đại này. Tượng phật tọa lạc trên một tòa sen nằm ở lưng chừng núi, có độ cao 129 m so với mặt nước biển.
 

IMG 1352
Chiêm ngưỡng pho tượng Phật tại Khu tâm linh Phật pháp Linh Phong. Ảnh: Lê Chi
   

Từ chùa ông Núi, bạn có thể tham quan một số điểm đến khác:

 Khu di tích cách mạng Núi Bà: nằm bên trái chùa Ông Núi, thuộc thôn Phương Phi, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, Bình Định. Từ đây phóng tầm mắt ra xa, du khách sẽ chiêm ngưỡng toàn cảnh bãi biển Trung Lương xinh đẹp, cảm nhận làn gió biển tươi mát ùa về người và đây cũng là điểm đến của nhiều du khách khi tới Quy Nhơn, Bình Định.

Khu dã ngoại Trung Lương: nằm cách chùa Ông Núi khoảng 2km và cách thành phố Quy Nhơn chừng 35km, thuộc thôn Trung Lương, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát. Đây là khu vui chơi, cắm trại nổi tiếng của giới trẻ và những gia đình có trẻ nhỏ. Điểm đặc trưng nổi bật nhất chính là những mái lều xanh đỏ nhấp nhô, hay những hàng ghế nghỉ đủ màu với tầm mắt hướng ngay về phía biển.

IMG 1368
Du khách check-in tại Khu dã ngoại Trung Lương - Ảnh: KDNTL
 
Đến chùa Ông Núi vào dịp lễ hội, du khách không chỉ được ngắm cảnh, thư giãn mà còn có thể đến hang Tổ để dâng hương ngưỡng vọng công đức của Ông Núi, cầu nguyện cho một năm mới bình an và may mắn./.                                                                
 

Nguồn tin: Lê Chi - TTTTXT DLBD

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây